Bitcoin đã có một đợt tăng giá ấn tượng kể từ khi thông báo về việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) chấp thuận quỹ hoán đổi doanh mục (ETF) hợp đồng tương lai Bitcoin của ProShares vào đầu tháng 10 và đạt mức cao nhất mọi thời đại (ATH) hơn 69.000 đô la vào ngày 10 tháng 11.
Tuy nhiên, tâm lý trở nên hụt hẫng khi các cơ quan quản lý từ chối đề xuất Bitcoin spot ETF (giao ngay) của VanEck vào ngày 12 tháng 11. Điều này đã đẩy giá Bitcoin giảm xuống mức thấp nhất trong 30 ngày là 55.705 đô la vào ngày 19 tháng 11. Nó hiện đang giao dịch trong phạm vi 58.966 đô la tại thời điểm viết bài.
Biểu đồ giá Bitcoin | Nguồn: Tradingview
ETF là một loại chứng khoán theo dõi tài sản hoặc rổ tài sản, trong trường hợp này là Bitcoin và có thể được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán như bất kỳ loại cổ phiếu nào khác. Bitcoin ETF của Proshares là quỹ đầu tiên được SEC chấp thuận trong số hơn 20 đơn đăng ký.
Jan van Eck, CEO của VanEck không hài lòng về việc bị từ chối, nói rằng:
“Chúng tôi rất thất vọng về việc SEC từ chối phê duyệt Bitcoin ETF vật lý của chúng tôi”.
Sự khác biệt giữa giao dịch Bitcoin ETF được chấp thuận hiện tại trên các sàn giao dịch chứng khoán khác nhau ở Hoa Kỳ như Nasdaq hoặc CBOE và Bitcoin ETF bị từ chối là đề xuất của VanEck hướng tới thị trường giao ngay trong khi các ETF được chấp thuận đều là ETF dựa trên hợp đồng tương lai.
Van Eck khẳng định ETF trên thị trường giao ngay là lựa chọn tốt hơn:
“Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư có thể tiếp cận BTC thông qua một quỹ được quản lý và cấu trúc ETF không phải hợp đồng tương lai là cách tiếp cận ưu việt hơn”.
Chủ tịch SEC Gary Gensler trước đây đã lên tiếng ủng hộ các quỹ Bitcoin ETF dựa trên hợp đồng tương lai thay vì dựa trên giá giao ngay. Trong quyết định chính thức từ chối đơn đăng ký ETF của VanEck, SEC nói rằng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu đối với “các quy tắc của một sàn giao dịch chứng khoán quốc gia được thiết kế để ngăn chặn các hành vi gian lận và thao túng”, đồng thời “bảo vệ các nhà đầu tư và lợi ích công cộng’”.
Hợp đồng tương lai thường là một sản phẩm có rủi ro cao hơn
Tuy nhiên, có thể là các nhà quản lý tài chính ở Hoa Kỳ, khi từ chối ETF giao ngay của VanEck, đã tung ra một sản phẩm rủi ro hơn cho các nhà đầu tư mà họ muốn bảo vệ, vì nó cho phép tiền tổ chức ở Phố Wall tận dụng biến động giá của Bitcoin.
Hợp đồng tương lai cung cấp cho holder hoặc người mua hợp đồng nghĩa vụ mua tài sản cơ bản hoặc người bán hợp đồng nghĩa vụ bán và giao tài sản ở một mức giá xác định vào một ngày cụ thể trong tương lai trừ khi holder đóng vị thế của họ trước ngày hết hạn.
Kết hợp với các quyền chọn, những công cụ tài chính này thường được sử dụng để bảo vệ các vị thế khác trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư hoặc kiếm lợi nhuận từ đầu cơ thuần túy mà không cần mua tài sản cơ bản. Các thị trường này thường bị chi phối bởi các nhà đầu tư tổ chức có nguồn lực dồi dào để giảm bớt bất kỳ khoản lỗ nào trong danh mục đầu tư của họ.
Mặc dù hợp đồng tương lai chỉ có thể được sử dụng để giảm thiểu rủi ro trong hồ sơ của nhà đầu tư, nhưng điều khiến họ gặp rủi ro cao hơn là việc sử dụng đòn bẩy trong thị trường này. Đòn bẩy là khả năng sử dụng vốn vay hoặc nợ làm vốn kinh doanh trên thị trường để tăng lợi nhuận từ một vị thế. Về cơ bản, nó được các nhà đầu tư sử dụng để tăng sức mua của họ lên gấp nhiều lần trên thị trường.
Trong khi đòn bẩy cũng tồn tại trên thị trường giao ngay, tác động của nó nhỏ hơn đáng kể. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, đòn bẩy có thể lên đến 95%, điều này dẫn đến việc nhà đầu tư có thể dễ dàng mua một hợp đồng quyền chọn với 5% vốn yêu cầu và vay phần còn lại. Điều này có nghĩa là bất kỳ biến động nhỏ nào về giá của tài sản cơ sở sẽ có tác động lớn đến hợp đồng, dẫn đến lệnh margin call cho các nhà đầu tư do buộc phải thanh lý hợp đồng tương lai.
Margin call là một tình huống trong đó giá trị lợi nhuận của nhà đầu tư giảm xuống dưới số tiền yêu cầu của sàn giao dịch hoặc nhà môi giới. Lệnh call yêu cầu nhà đầu tư gửi một số tiền được gọi là ‘maintenance margin’ (margin duy trì) vào tài khoản để lấp đầy giá trị tối thiểu cho phép. Điều này cũng có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư phải bán các tài sản khác trong danh mục của họ để bù vào số tiền này.
Điều quan trọng cần lưu ý là những rủi ro vốn có đối với hợp đồng tương lai không liên quan gì đến bản chất của các sản phẩm cơ bản, mà là từ phương pháp luận – cách hợp đồng tương lai được giao dịch trên các thị trường tài chính. Du Jun, đồng sáng lập sàn giao dịch Huobi, đã nói về quyết định của SEC:
“Với tình hình hiện tại, ETF dựa trên hợp đồng tương lai có thể là lựa chọn tốt nhất được SEC chấp nhận. Đúng là ETF dựa trên hợp đồng tương lai thường phức tạp với mức rủi ro cao hơn, nhưng nó có một số đặc điểm đáp ứng nhu cầu của SEC”.
Jun tin rằng các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra quy trình để đặt giá trên thị trường giao ngay của BTC, do đó khiến họ nghĩ rằng giá dễ bị thao túng. Vì vậy, các ETF dựa trên hợp đồng tương lai được hủy liên kết trực tiếp với BTC sẽ cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Hơn nữa, ETF dựa trên hợp đồng tương lai mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội vừa Long vừa Short BTC, do đó bảo vệ tài sản BTC của họ thay vì nắm giữ các đơn vị có BTC được hỗ trợ về mặt vật lý.
Antoni Trenchev, đồng sáng lập nền tảng giao dịch tiền điện tử Nexo cho biết:
“SEC dường như chưa sẵn sàng cho phép ETF giao ngay. Tôi có linh cảm điều này sẽ xảy ra trong tương lai gần đến trung hạn, ngay khi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ tự tin vào các chính sách và cách xử lý của họ đối với Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác”.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người tham gia thị trường đều có cái nhìn tích cực về cách tiếp cận của SEC. Marie Tatibouet, giám đốc marketing của sàn giao dịch Gate.io nêu rõ:
“SEC Hoa Kỳ đã mất khoảng bốn năm để tìm ra cách thức hoạt động của một quỹ Bitcoin futures ETF. Có thể họ sẽ mất thêm hai đến ba năm nữa để tìm ra cách điều hành ETF giao ngay”.
Tatibouet nói rằng vì hợp đồng tương lai BTC không liên kết trực tiếp với giá Bitcoin mà với giá hợp đồng tương lai Bitcoin – “dễ thao túng hơn” so với giá trên thị trường giao ngay, đây có thể là một trong những lý do mà SEC chấp thuận ETF dựa trên hợp đồng tương lai.
Canada hỗ trợ Bitcoin ETF giao ngay
Mặc dù sự ra mắt của Bitcoin futures ETF ở Hoa Kỳ được cộng đồng tôn vinh như một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường, nhưng đây không phải là quốc gia đầu tiên cho phép các ETF liên quan đến tiền điện tử. Người hàng xóm thân thiện của Hoa Kỳ, Canada, đã giao dịch Bitcoin ETF trên nhiều sàn giao dịch khác nhau từ đầu năm nay.
Canada đã cấp phép Bitcoin ETF đầu tiên ở Bắc Mỹ, Purpose Bitcoin ETF, vào tháng 2. Đây là một Bitcoin ETF giao ngay được hỗ trợ vật lý đã thành công kể từ khi ra mắt. Evolve Investments cũng đã tung ra Evolve Bitcoin ETF ngay sau đó, đây cũng là một ETF giao ngay. ETF Purpose Bitcoin và Evolve Bitcoin ETF hiện quản lý 1,4 tỷ đô la và 203 triệu đô la tài sản, tương ứng. Các công ty đằng sau các ETF này cũng đã tiếp tục tung ra các ETF dựa trên Ether sau sự thành công của Bitcoin ETF.
Jun lưu ý sự khác biệt trong bối cảnh pháp lý ở Hoa Kỳ và Canada:
“Môi trường pháp lý của Canada linh hoạt hơn và Canada tập trung hơn vào đổi mới. Nước này thường đi đầu trong đổi mới tài chính, như ETF hiện đại đầu tiên vào năm 1990 và lần đầu tiên ra mắt ETF cần sa vào năm 2017. Nhưng môi trường quản lý thị trường Hoa Kỳ nghiêm ngặt hơn nhiều”.
Đưa ra một góc nhìn mới về vấn đề này, trader huyền thoại Peter Brandt đã đề cập đến việc những người theo chủ nghĩa tối đa hóa Bitcoin nên phản đối ETF trên thị trường giao ngay tại Hoa Kỳ.
“Theo tôi nghĩ, những người theo chủ nghĩa tối đa hóa Bitcoin nên phản đối ETF giao ngay ở Hoa Kỳ. Câu chuyện về giá trị lưu trữ của Bitcoin phụ thuộc vào sự khan hiếm của nó và thậm chí là không dễ mua. Chúng ta đừng khuyến khích Phố Wall tham lam thèm khát chuyển đổi BTC thành máy bán hàng tự động. Nói không với ETF”.
Liệu ETF có hỗ trợ sự phát triển của BTC như một tài sản trong dài hạn theo cách dự kiến ban đầu hay không? Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của các ETF tiền điện tử có tác động lớn đến tâm lý thị trường và do đó, cuối cùng, giá Bitcoin vẫn là trọng tâm của toàn bộ cuộc thảo luận.
Ông Giáo
Theo Cointelegraph
Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook