Segregated Witness, viết tắt là SegWit, là phần mở rộng giao thức Bitcoin đã được kích hoạt trên mạng lưới vào tháng 8 năm 2017, nhằm tăng khả năng mở rộng của blockchain Bitcoin. Trước khi SegWit được kích hoạt, mạng lưới Bitcoin thường gặp vấn đề tắc nghẽn do người sử dụng lấp đầy kích thước 1 megabyte của các khối Bitcoin.
Để giảm thiểu tắc nghẽn và tăng thông lượng mạng lưới, SegWit cải thiện hai biến chính. Một cho phép các giao dịch nhỏ hơn để nhiều giao dịch hơn có thể được xử lý trong không gian khối cố định. Bên cạnh đó nó cũng cho phép các khối lớn hơn và nhiều giao dịch phù hợp với mỗi khối hơn. Kết hợp với nhau, những cải tiến này làm tăng thông lượng tổng thể của mạng lưới Bitcoin.
Các sàn giao dịch tiêu thụ 40% tất cả không gian khối Bitcoin
Được trình bày trong báo cáo gần đây, các nhà phân tích blockchain Glassnode đã điều tra tỷ lệ chấp nhận SegWit của các sàn giao dịch tiền tệ điện tử lớn.
Các sàn giao dịch là nhân tố quan trọng đối với việc áp dụng SegWit vì họ là những người tiêu thụ lượng lớn không gian khối Bitcoin và nếu các sàn giao dịch áp dụng SegWit, họ sẽ sử dụng ít không gian khối hơn, góp phần vào hiệu suất tổng thể tốt hơn của mạng lưới Bitcoin.
Theo Glassnode, các sàn giao dịch chịu trách nhiệm khoảng 40% tổng số không gian khối được sử dụng và lập trường của họ đối với SegWit có tác động đáng kể đến khả năng mở rộng của Bitcoin. Riêng Binance và Coinbase đại diện cho khoảng 25% không gian khối được sử dụng.
Mức tiêu thụ không gian khối của các sàn giao dịch | Nguồn: Glassnode
Thật không may, Glassnode nhận thấy rằng, phần lớn các sàn giao dịch đã không áp dụng đầy đủ SegWit, quan trọng nhất là Binance, địa điểm chịu trách nhiệm tiêu thụ khoảng 15% không gian khối Bitcoin.
Người tiên phong, kẻ tụt hậu và kẻ bám trụ
Trong nghiên cứu, Glassnode đánh giá các giao dịch Bitcoin chảy vào và ra khỏi các sàn giao dịch, cũng như cách các giao dịch này sử dụng SegWit. Sau đó, nghiên cứu phân chia các sàn giao dịch đã được kiểm tra thành ba loại: Người tiên phong (Pioneer) – chấp nhận hơn 90%), Kẻ tụt hậu (Straggler) – chấp nhận từ 20% đến 90% và Kẻ bám trụ (Holdout) – ít hơn 20% áp dụng SegWit.
Cuộc điều tra bao gồm 18 sàn giao dịch và trong số đó, 6 sàn đã hoàn toàn áp dụng SegWit, 6 sàn vẫn đang gặp khó khăn với việc sử dụng SegWit trên diện rộng và 6 sàn giao dịch thực hiện rất ít nỗ lực liên quan đến việc áp dụng SegWit.
Cụ thể, Coinbase, sàn giao dịch tiêu thụ 10% tổng không gian khối Bitcoin, đã áp dụng gần như đầy đủ SegWit.
Binance chấp nhận SegWit ở mức trung bình
Trong số tất cả các sàn giao dịch, Binance và Coinbase là những người tiêu thụ không gian khối lớn nhất. Chỉ riêng các giao dịch đến và đi từ Binance đã chiếm khoảng 15% tất cả không gian khối.
“Binance có tỷ lệ chấp nhận SegWit chỉ 10% cho đến cuối năm 2021. Mặc dù gần đây, tỷ lệ chấp nhận đã tăng lên khoảng 50%. Con số này có vẻ không đủ, đặc biệt khi xem xét rằng chỉ riêng Binance đã tiêu thụ khoảng 15% tất cả không gian khối Bitcoin”.
Xếp hạng chấp nhận Segwit của các sàn giao dịch | Nguồn: Glassnode
Nghiên cứu cho thấy, 18 sàn giao dịch theo thứ tự áp dụng SegWit giảm dần là:
- Người tiên phong: FTX, Kucoin, Coinbase, Luno, Kraken và Bitstamp.
- Kẻ tụt hậu: Gemini, Hibtc, Coincheck, BitMEX, Bitfinex và Binance.
- Kẻ bám trụ: Okex, Bithumb, Bittrex, Huobi, Poloniex và Gate.io.
Trong số các sàn giao dịch trong nhóm bám trụ, “với tỷ lệ chấp nhận là 7%, Okex là sàn giao dịch duy nhất đã thực hiện ít nhất một số nỗ lực để áp dụng SegWit. Trong khi đó, các sàn giao dịch còn lại dường như đang thiếu sự quan tâm đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ, vì lợi ích của mạng lưới Bitcoin rộng lớn hơn”, nghiên cứu kết luận.
Việt Cường
Theo CryptoSlate