Tội phạm là gì? Khái niệm tội phạm trong bộ luật hình sự mới nhất

Đăng bởi trong Kiến thức

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, tội phạm được phân thành 04 loại: tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khung hình phạt phụ thuộc vào các yếu tố như: độ tuổi phạm tội, hành vi vô ý hay cố ý. Hãy cùng Centalaw đi tìm hiểu chi tiết về các vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Tội phạm là gì?

Khái niệm tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Tội phạm được phân làm 04 loại

Tội phạm ít nghiêm trọng

Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự quy định về tội phạm ít nghiêm trọng “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”.

Tội phạm nghiêm trọng

Tại điểm b khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự quy định về tội phạm nghiêm trọng “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”.

Tội phạm rất nghiêm trọng

Tại điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự quy định về tội phạm rất nghiêm trọng “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù”.

Tội phạm đặt biệt nghiêm trọng

Tại điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự quy định về tội phạm đặt biệt nghiêm trọng “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 12 Bộ luật hình sự quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Phân biệt hành vi cố ý phạm tội và vô ý phạm tội

Hành vi cố ý phạm tội

Căn cứ Điều 10 Bộ luật hình sự quy định về cố ý phạm tội có thể phân ra 02 hình thức lỗi là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp:

– Cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Người phạm tội thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn nó xảy ra

– Cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Người phạm tội thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra, để mặc cho hậu quả xảy ra mặc dù hậu quả này không phù hợp với mục đích ban đầu người phạm tội đặt ra.

>> Xem thêm: Tội cố ý gây thương tích bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất?

Hành vi vô ý phạm tội

Căn cứ Điều 11 Bộ luật hình sự quy định về vô ý phạm tội có thể phân ra 02 hình thức lỗi là vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả:

– Vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội không mong muốn hành vi của mình gây hậu quả nguy hại cho xã hội, tuy nhiên trong trường hợp này người phạm tội nhận thức được hậu quả có thể xảy ra nhưng lại cho rằng hậu quả này không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

– Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, cũng không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.

Lời kết

Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức hữu ích cho cả nhà. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề liên quan tới tội phạm hoặc đang bị nhầm lẫn giữa các hành vi cố ý hay vô ý phạm tội. Hãy gọi ngay cho Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn chi tiết nhé.

Xem bài gốc tại: centalaw.com

Chia sẻ bài này