Doanh nghiệp nước ngoài có được tự do kinh doanh dịch vụ quảng cáo?
Văn phòng luật sư Centalaw cảm ơn quý khách hàng gần xa đã luôn đồng hành cùng chúng tôi qua số máy quen thuộc (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738.
Hôm nay, Centalaw tiếp tục nhận được câu hỏi của chị Nguyễn Thị Hoa (TPHCM), nhân viên nhân sự của doanh nghiệp K. Chị Hoa gọi đến tổng đài của chúng tôi với câu hỏi như sau: “ Doanh nghiệp của chị có 100% vốn đầu tư nước ngoài thì có được kinh doanh dịch vụ quảng cáo hay không?”
Với câu hỏi của chị, đội ngũ luật sư tư vấn luật Centalaw xin được tư vấn như sau:
Dựa vào cam kết số 318/WTO/CK của Chính phủ nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam về dịch vụ thì:
Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Kể từ ngày 1/1/2009, không hạn chế tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong liên doanh.
Đồng thời, cũng theo qui định tại Điều 40 của Luật Quảng cáo 2012 về việc hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo thì:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư.
Như vậy dựa theo các quy định trên thì Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Và khi Công ty góp vốn Liên doanh thì không hạn chế tỷ lệ vốn góp.
Cần hiểu thêm:
Liên doanh là gì?
Liên doanh là hình thức hợp tác kinh tế ở một trình độ tương đối cao, được tiến hành trên cơ sở các bên tham gia tự nguyện cùng nhau góp vốn để thành lập các công ty, xí nghiệp nhằm cùng sản xuất, cùng quản lí và chia lãi theo phương thức thỏa thuận. Chủ thể liên doanh có thể tham gia thành lập nhiều đơn vị kinh tế liên doanh khác nhau để phát huy các khả năng, thế mạnh kinh tế, kĩ thuật của mình.
Việc liên doanh được thực hiện dưới các hình thức hợp tác như giữa hai hay nhiều doanh nghiệp tham gia mang quốc tịch khác nhau, giữa doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp ở trong nước hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài hoặc với nhà đầu tư nước ngoài, giữa các doanh nghiệp liên doanh với nhau, giữa Chính phủ các nước với nhau.
Hợp đồng hợp kinh doanh thì Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư 2014 quy định:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế, điều đó có nghĩa là trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên vẫn giữ nguyên tư cách pháp lý của chính mình, nhân danh mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
Với cơ chế đám phán để chia sẻ nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh có ưu điểm là tính linh hoạt do không có sự ràng buộc về tổ chức bằng một pháp nhân chung của các tổ chức, cá nhân có quan hệ đầu tư với nhau.
Lời kết
Trên đây là ý kiến tư vấn của đội ngũ luật thuộc Văn phòng luật sư Centalaw giải đáp thắc mắc của quý khách hàng trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành. Hy vọng rằng những thông tin tư vấn từ Centalaw sẽ luôn là thông tin thực tế, hữu ích và đúng theo qui định của pháp luật nhất cho quý khách hàng.
Mọi thắc mắc, cả nhà có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng!
Xem bài gốc tại: centalaw.com