Chỉ thị là gì? Thẩm quyền ban hành và hiệu lực của chỉ thị
Khái niệm chỉ thị là gì? Chỉ thị được ban hành bởi cơ quan thẩm quyền nào? Các loại chỉ thị hiện nay có hiệu lực ra sao? Chỉ thị có phải là một văn bản quy phạm pháp luật không? Cho ví dụ cụ thể về chỉ thị. Các vấn đề này sẽ được Centalaw giải đáp chi tiết và dễ hiểu trong bài viết sau đây.
Chỉ thị là gì?
Chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới thực hiện. Thông thường chỉ thị được dùng trong hoạt động quản lý nhà nước, trong nhiều lĩnh vực phức tạp mà các cơ quan quản lý cấp dưới không tự mình giải quyết được thì lúc này cấp trên có thẩm quyền sẽ ban hành ra chỉ thị để chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Chỉ thị dùng để truyền đạt các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lí chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, chấn chỉnh công tác, giao nhiệm vụ và đôn đốc các cơ quan cấp dưới, có khi là các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhà nước.
Chỉ thị được ban hành bởi ai?
Trước đây, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định những chủ thể ban hành chỉ thỉ gồm: Thủ tướng chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới 2015 thì không quy định thẩm quyền ban hành Chỉ thị.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng chính phủ.
Chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Chỉ thị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định các biện pháp để chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của mình.
Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp
Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp quy định những biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, các quyết định, chủ trương của cấp trên, các quyết định của Uỷ ban nhân dân; giao nhiệm vụ, đôn đốc các cơ quan cấp dưới thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ thị có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 4 luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Chỉ thị không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên trong hệ thống thứ bậc văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp 1992, chỉ thị là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản dưới luật do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành.
Hiệu lực của chỉ thị
Không có văn bản quy định về hiệu lực của Chỉ thị. Do đó, Chỉ thị sẽ có hiệu lực từ khi được ban hành và phụ thuộc vào nội dung Chỉ thị để xác định thời hạn hết thúc.
Ví dụ về chỉ thị
– Chỉ thị 15/CT-TTg về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.
– Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
– Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Lời kết
Centalaw hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về chỉ thị là gì và các vấn đề liên quan tới chỉ thị. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới chỉ thị. Hãy gọi ngay cho Centalaw – Công ty luật, Văn phòng luật sư uy tín tại TPHCM qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được giải đáp chi tiết.
Xem bài gốc tại: centalaw.com