Làm gì trước những quyết định lớn trong đời
Từ những điều hết sức riêng tư đến bước ngoặt lớn lao cho gia đình và công việc, ai trong chúng ta cũng đều phải đối mặt với muôn vàn quyết định khó khăn. Trước những ngã rẽ như thế, thật lòng chúng ta chỉ mong ước có một thế lực siêu nhiên chỉ ra đâu là con đường, lựa chọn đúng đắn nhất. Thế nhưng, Bụt thì chắc còn kẹt xe ở xa và trong lúc chờ phép màu xuất hiện, hãy cùng WSE tìm hiểu ba phương pháp đưa ra quyết định của Celestine Chua – chuyên gia quản trị cuộc sống nổi tiếng trên thế giới. Biết đâu nhờ đó bạn sẽ thôi đắn đo, trằn trọc?
Fast Forward – Góc nhìn từ tương lai
Bản thân việc đưa ra quyết định không hề khó khăn hay thách thức. Sở dĩ chúng ta cảm thấy đắn đo là vì kết quả (hay hậu quả) theo sau mỗi quyết định: Liệu đó có thực sự là chuyện tôi muốn? Quyết định vậy thì cuộc sống của tôi sẽ thay đổi thế nào? Nếu sai, tôi có cơ hội làm lại hay không? Phương pháp Fast Forward “bắt” ngay đặc điểm tâm lý này để giúp bạn tự đặt bản thân vào một thời điểm trong tương lai và suy xét kỹ lưỡng về lựa chọn của mình. Không cần mạo hiểm, phung phí quá nhiều thời gian, bạn vẫn có thể tự nhìn nhận xem trong tương lai, liệu quyết định A có dẫn đến nơi mình muốn, một viễn cảnh mình không thích hay đơn thuần chỉ là ngõ cụt. Về cơ bản, trước khi đưa ra quyết định lớn trong đời, bạn nên:
- Liệt kê tất cả lựa chọn / giải pháp mà bạn đang có.
- Thử tưởng tượng bản thân mình vào thời điểm một hoặc vài năm sau. Với mỗi lựa chọn, cuộc sống của bạn khi đó sẽ như thế nào?
- Bạn mong muốn viễn cảnh nào trong số những viễn cảnh đã liệt kê ở trên? Tại sao?
Một ví dụ điển hình là khi bạn đắn đo xem nên tiếp tục vị trí ổn định hiện tại thêm vài năm hay theo đuổi công việc yêu thích ngay lập tức. Mỗi lựa chọn đều có sức nặng riêng: ở lại công ty cũ cho phép bạn tích góp thêm kinh nghiệm, hồ sơ sau này cũng ấn tượng hơn nhưng nếu chuyển việc, bạn sẽ có thể ngay lập tức trải nghiệm điều mình yêu thích. Một phép thử đơn giản bằng phương pháp Fast Forward cho bạn thấy nghỉ việc ngay lúc này là quyết định tốt hơn vì dù có khó khăn lúc đầu nhưng sau 2-3 năm, bạn vẫn sẽ ở xa hơn trên con đường mà mình mong muốn so với việc tiếp tục hao phí thời gian ở nơi bản thân đã không còn nhiệt huyết cống hiến.
Ideal Vision – Cân nhắc từ đích đến
Tất nhiên sẽ có lúc chúng ta nghi ngại với những viễn cảnh mà mình đã vạch ra trong tương lai. Bạn cảm thấy không tự tin vào bản thân mình trong thực tại nên cũng không có gì đảm bảo điều bạn muốn ở tương lai là chính xác, và bạn lo sợ mình mãi bị vướng vào vòng tròn luẩn quẩn. Đó chính là khi bạn cần một hướng tiếp cận mới, xuất phát từ kết quả vững chắc để làm kim chỉ nam trong quyết định của mình. Ideal Vision là câu trả lời điển hình nhất và phương pháp này khuyên bạn:
- Cân nhắc về tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại và tất cả giải pháp khả dĩ
- Đặt bản thân vào viễn cảnh mà mình mong muốn, với thành tựu, cuộc sống và cách suy nghĩ mà bạn muốn có được
- Từ góc nhìn vững chắc đó, liệu cái tôi khi ấy sẽ khuyên bạn lựa chọn thế nào trong trường hợp này?
Điểm hay của phương pháp Ideal Vision là nó đưa bạn thoát khỏi lăng kính sai lầm hiện tại. Bạn nhìn nhận vấn đề và đưa ra quyết định dựa trên quan điểm, vị thế của một người đã đạt được điều mà bạn mong muốn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang trong quá trình khởi nghiệp thì nhận được lời mời hợp tác dự án với một cộng sự. Người cộng sự này thật sự rất tài năng, quan hệ rộng rãi nên nếu hợp tác, bạn sẽ có cơ hội phát triển bản thân, gặp gỡ nhiều doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải gác lại giấc mơ khởi nghiệp của bản thân. Phương pháp Ideal Vision nhắc rằng mục đích cuối cùng mà bạn hướng đến là tạo dựng một “đế chế” riêng của bản thân, trở nên nổi tiếng và đóng góp cho lĩnh vực mình lựa chọn kinh doanh. Chính vì vậy, dù lời đề nghị của người cộng sự rất hấp dẫn nhưng rõ ràng từ chối để tạo dựng công ty riêng mới là điều bạn thật sự mong muốn.
Heart Method – Lắng nghe trái tim mách bảo
Nếu hai phương pháp mang thuần tính khoa học, tâm lý trên vẫn không thể khiến bạn cảm thấy yên tâm trước những quyết định lớn trong đời, hãy quay trở về với điều cốt lỗi nhất trong mỗi con người – lắng nghe trái tim mình thật sự mong muốn gì. Thoạt nghe có vẻ cảm tính nhưng Celestine Chua cho rằng trái tim chính là chiếc la bàn đáng tin cậy nhất của mỗi người trước những ngã rẽ trong cuộc sống. Khác với suy nghĩ trí óc, trái tim có khả năng gạt bỏ mọi lăng kính xung quanh để hướng đến mục tiêu duy nhất mà bạn thực sự muốn, từ đó vạch ra con đường mà bạn cần phải đi. Không quan trọng bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, làm việc thiên về logic hay cảm xúc, những quyết định xuất phát từ trái tim nếu được rèn dũa và lắng nghe sẽ ngay lập tức dẫn bạn đi qua mọi tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc sống, thậm chí còn trước cả khi não bộ kịp xử lý thông tin xung quanh.
Cuối cùng, đưa ra những quyết định lớn trong đời không bao giờ là chuyện dễ dàng, thậm chí đòi hỏi rất nhiều sự can đảm, kiên nhẫn và thành thật với chính mình. Sẽ có lúc bạn cần phải thử cả ba phương pháp trên để biết đâu là câu trả lời đúng đắn nhất hay đâu là lựa chọn mà bạn thật sự mong muốn. Tuy nhiên, bao giờ bạn vẫn còn chân thành lắng nghe bản thân, thận trọng không luẩn quẩn trong lăng kính hiện tại và dám cho mình cơ hội, những quyết định lớn sẽ luôn vẽ nên con đường đến cuộc sống mà bạn xứng đáng có được.